image banner
MỒ HÔI MÁU, NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG

                                                                                                                                 BSCKII Lê Hồng Phúc, Phó trưởng khoa Nhi, BV Nguyễn Đình Chiểu    

1. Tóm tắt:

Hội chứng mồ hôi máu là một tình trạng lâm sàng hiếm gặp khi mồ hôi được tiết ra lẫn máu. Một thiếu nữ 15 tuổi đến khoa Nhi với tiền sử ói ra máu, tái phát nhiều lần kể từ tháng 6 năm 2023. Bệnh nhi sau đó phải nhập viện nhiều lần vì có những đợt chảy máu cam, ói máu, chảy máu mắt, rịn máu ở da. Các đợt bệnh thường ổn định sau khi được điều trị hỗ trợ.

Chẩn đoán bệnh nhi bị mắc chứng mồ hôi máu được thiết lập khi loại trừ các tổn thương thực thể và có thể được xác nhận bằng xét nghiệm benzidine, kiểm tra sinh hóa và hiển vi. Hiện tại không có phương pháp điều trị cho tình trạng này. Nguyên nhân của chúng vẫn chưa được biết rõ. Stress có thể là yếu tố kích hoạt.

2. Giới thiệu:

Hematohidrosis (mồ hôi máu) là tình trạng y khoa hiếm gặp, được đặc trưng bởi việc tiết ra máu hoặc sắc tố máu trong mồ hôi. Hiện tượng này có thể xảy ra trên da hoặc trên các bề mặt cơ thể có tuyến mồ hôi. Có rất ít báo cáo về tình trạng này trong y văn.

Lịch sử phát hiện và dịch tễ học: Bệnh lý này đã được ghi chép trong các văn bản lịch sử và y văn, dù độ chính xác không được biết do sự hiếm gặp của nó. Các tài liệu đầu tiên về hematidrosis được tìm thấy trong các bài viết của Aristotle vào trong thời trung cổ. Leonardo Da Vinci đã mô tả một người lính ra mồ hôi máu trước khi bước vào trận chiến. Nó đã được mô tả trong y văn một cách chính xác hơn trong thế kỷ 20 và 21.

Cơ sở sinh bệnh học của chứng mồ hôi máu chưa được biết đầy đủ, có một số giả thuyết. Một giả thuyết cho rằng căng thẳng tinh thần nặng nề hoặc sợ hãi có thể dẫn đến vỡ mạch máu nhỏ cung cấp cho tuyến mồ hôi, khiến chúng tiết ra máu. Quá trình này được cho là kết quả của phản ứng "chiến đấu hoặc chạy trốn" của cơ thể, dẫn đến việc giải phóng adrenaline, gây co thắt các mạch máu. Các cơ chế khác được đề xuất bao gồm: rối loạn đông máu, bất thường mạch máu, hoặc các tình trạng viêm ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi.

Biểu hiện lâm sàng: Bệnh nhân mắc hematidrosis thường xuất hiện với các đợt bùng phát tự phát, từng đợt của việc tiết mồ hôi máu hoặc mồ hôi có lẫn máu, có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cơ thể nhưng thường gặp nhất trên khuôn mặt, tai, mũi và mắt. Các đợt có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và có thể kèm theo đau, đau đầu hoặc không có triệu chứng nào cả. Căng thẳng tinh thần thường xuyên xảy ra trước các đợt bùng phát, mặc dù chúng cũng có thể xảy ra mà không có bất kỳ yếu tố kích thích nào.

Chẩn đoán chứng nồ hôi máu chủ yếu dựa trên lâm sàng, tiền sử bệnh nhân, được xác nhận bằng xét nghiệm benzidine, trong đó hemoglobin trong máu phản ứng với hydrogen peroxide giải phóng oxy và sau đó phản ứng với chất hữu cơ tạo ra hợp chất có màu xanh lục đến xanh lam. xét nghiệm Hemochromogen để xác nhận sắc tố máu là sắc tố máu người. Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để loại trừ các bệnh lý thực thể như rối loạn đông máu, bệnh da liễu hoặc. Sinh thiết da cũng có thể được thực hiện để loại trừ các tình trạng da liễu khác có thể giống như hematidrosis.

Quản lý và điều trị: Không có phương pháp điều trị chuẩn cho chứng mồ hôi máu, và điều trị chủ yếu là triệu chứng. Các loại thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn để quản lý căng thẳng hoặc các yếu tố kích thích tinh thần. Các loại thuốc chẹn beta đã được sử dụng để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát bằng cách giảm phản ứng của cơ thể với adrenaline. Trong một số trường hợp, các liệu pháp tại chỗ, như các loại chống mồ hôi chứa clorua nhôm, có thể giúp giảm tiết mồ hôi.

Tiên lượng cho những người mắc hematidrosis nói chung là tốt, vì tình trạng này không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, ảnh hưởng tâm lý có thể đáng kể, dẫn đến lo âu, trầm cảm và cô lập xã hội. Liệu pháp hỗ trợ tâm lý hoặc tư vấn có thể có lợi cho những người bị ảnh hưởng.

3. Báo cáo trường hợp

3.1 Tiến trình phát hiện bệnh:  Bệnh nhân nữ, 15 tuổi, khởi bệnh từ khoảng tháng 6/2023: bệnh nhân thường bị nôn ói, nôn vọt, vài lần ra thức ăn, sau đó ói máu lượng ít (khoảng 10-20ml/lần, máu đỏ tươi), tần suất khoảng 4-5 lần/tuần; kèm đau quặn từng cơn vùng hông trái. Bé nhập viện bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu khoảng 2 tuần, được điều trị triệu chứng có giảm, sau đó đột ngột ói ra máu lượng nhiều (khoảng 150ml, máu sệt, đỏ tươi) kèm theo nóng rát ở bụng, đi tiểu đỏ, tiêu phân đen -> chuyển bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, sau thời gian gần 2 tháng theo dõi và điều trị tại khoa Tiêu hóa. Bệnh nhi được nội soi dạ dày, làm các xét nhiệm về, đông, cầm máu kết quả đều bình thường, và điều trị triệu chứng. Trong một lần được nhân viên  sát trùng da, phát hiện  có hiện tượng bông gòn sau khi sát trùng cho bé bị dính máu đỏ tươi (cho dù chưa chích kim), hiện tượng chảy máu biến mất ngay khi được lau sạch, không tìm thấy dấu vết chấn thương và xuất hiện lại sau vài giây.Với những triệu chứng, dấu hiệu trên và các xét nghiệm đã được thực hiện, các bệnh do tổn thương thực thể đã được loại trừ, chẩn đoán bệnh nhi bị chứng mồ hôi máu được thiết lập. Những ngày sau đó bệnh ổn, bé được cho xuất viện với chẩn đoán ói máu, hội chứng mồ hôi máu.

            Từ lúc được chẩn đoán mắc hội chứng mồ hôi máu đến nay (gần 01 năm), bệnh nhân có nhiều đợt ói máu, chảy máu cam, chảy máu mắt, bong da, rịn máu ở hai cánh tay và vùng lưng. Triệu chứng chảy máu cam xuất hiện nhiều lần trong ngày, khoảng vài ngày/tuần. Bệnh nhân đã nhập viện thêm 06 lần tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nguyễn Đình Chiểu vì bị chảy máu cam, ói máu. Sau khi được điều trị nâng đỡ, bệnh ổn và bé được cho xuất viện.

            Đặc biệt vào tháng 2/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chảy máu mắt, kéo dài khoảng 1 tuần, và lần nhập viện lần này tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cũng đã được ghi nhận, như sau:

 3.2 Đợt nhập viện lần này tại khoa Nhi     

 Lý do nhập viện: Ói ra máu

 Bệnh sử: Bệnh nhi bị ho khoảng 1 tuần nay, không sốt, có uống kháng sinh (Hazinnat 5 ngày, Azithromycin 5 ngày) bệnh có giảm, sáng nay bệnh nhi bị nôn ra máu, chảy máu ở mũi, mắt (máu đỏ tươi pha loãng theo dịch tiết – hình bên dưới) -> vào viện.

Các xét nghiệm: Xét nghiệm: công thức máu bình thường (BC7.800/mm3, N=60,5%.; L=31,9%; TC=244.000/mm3; HCT=39%).

Xét nghiệm Benzidine để phát hiện sắc tố máu trong dịch tiết ở mắt, mũi, và xét nghiệm Hemochromogen để xác nhận sắc tố máu là sắc tố máu người không thực hiện.

Hình: máu tiết ra từ mắt, mũi

Chẩn đoán: Viêm phế quản, mồ hôi máu.

Quá trình theo dõi, điều trị: Bé được tiếp tục cho uống Xorimax 0,5g 1 viên x 2 lần/ngày x 2 ngày, Glucolyte-2 500mL TTM 80 giọt/phút (1 chai, sau đó ngưng).

Kết quả điều trị: Bé hết ho, không nôn ra máu thêm, không chảy máu mắt, mũi nữa và được cho xuất viện sau 2 ngày điều trị và được cấp toa thêm 3 ngày Xorimax (6 viên uống). Bệnh nhi ổn định trong 1 tháng qua mà không có xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.

4. Thảo luận

Mồ hôi máu là một tình trạng bệnh lý cực kỳ hiếm gặp trong thực hành lâm sàng, theo  Thư viện quốc gia về Y học năm (NIH) của Ấn Độ 2009, tác giả H. R. Jerajani, Bhagyashri Jaju, M. M. Phiske, và Nitin Lade(1) đã báo cáo một trường hợp  một người đàn ông 72 tuổi đã đến tư vấn vì tình trạng quần lót có vết bẩn máu ở khu vực bụng trong 2 tháng, đặc biệt là vào buổi sáng. Trước đó, ông đã chịu đựng căng thẳng liên tục trong hai năm do mâu thuẫn gia đình. Không có tiền sử chấn thương vùng bụng hay sinh dục, rối loạn chảy máu.

Khi khám da, các vết ố vàng trên quần áo tiếp xúc với vùng nách và thành ngự. Xét nghiệm Benzidine để phát hiện sắc tố máu trên quần lót cho kết quả dương tính. Dựa trên lâm sàng, sự hiện diện của rối loạn trầm cảm và xét nghiệm trên, chẩn đoán mồ hôi máu được thiết lập. Ngoài việc tư vấn thường xuyên cho rối loạn trầm cảm, ông không cần bất kỳ liệu pháp điều trị nào khác. Sau 15 ngày, tình trạng chảy máu hoàn toàn giảm bớt mà không có báo cáo về các than phiền tương tự tại các lần tái khám sau 6 tháng và một năm rưỡi.

So với trường hợp trên, chúng tôi phát hiện bệnh lý này ởi bệnh nhân nữ còn rất trẻ (15 tuổi), không trải qua thời gian bị stress tâm lý, với các triệu chứng đa dạng và điển hình hơn: ói ra máu, chảy máu mũi (được nhầm tưởng là chứng chảy máu cam), tái đi tái lại nhiều lần trong khoảng thời gian dài (gần 1 năm),  chảy máu mắt là dấu hiệu khá đặc biệt chỉ xuất hiện vài lần và cũng là triệu chứng được mô tả trong y văn. Triệu chứng ói ra máu là một biểu hiện ít gặp của bệnh, khiến cho bệnh nhân phải nhiều lần nhập viện và các nổ lực tìm nguyên nhân cũng đã được thực hiện như nội soi dạ dày vẫn không thấy bất kỳ tổn thương thực thể nào ở đường tiêu hóa. Đặc biệt có triệu chứng đặc trưng là mồ hôi máu (biểu hiện này được nhận diện khi bệnh nhân vào viện, nhân viên y tế sát trùng da để lấy máu xét nghiệm: càng sát trùng càng thấy bông sát trùng dính máu đỏ tươi) là dấu hiệu chỉ điểm giúp nhận diện được bệnh một cách tình cờ. Vị trí mà cơ thể thường tiết ra mồ hôi có náu là 2 cánh tay và thân mình (vùng hông, lưng), đặc điểm này cũng tương đồng với trường hợp một thiếu niên 13 tuổi ở Ấn độ được báo cáo bởi tác giả Raksha M. Patel  và Stuti Mahajan(2) vào năm 2010.

Các đợt của bệnh thường khởi phát sau các stress tâm lý, ở bệnh nhân của chúng tôi không ghi nhận có yếu tố này. Theo y văn,,các đợt bệnh vẫn có thể  xảy ra ngay cả khi bệnh nhân không có tình trạng căng thẳng về tâm lý trước đó. Các triệu chứng bệnh đã tự giới hạn sau các điều trị hỗ trợ.

Giới hạn của báo cáo: Chúng tôi chưa thể làm các xét nghiệm  Benzidine  để phát hiện máu các trong dịch tiết có màu đỏ tươi từ mắt, mũi, da. Tuy nhiên, điều này có thể dễ  dàng nhận biết được khi quan sát trên thực tế lâm sàng.

5. Kết luận:

Mồ hôi máu là hội chứng cực kỳ hiếm gặp, vì vậy các nhà lâm sàng có thể khó nhận diện ra khi ngay khi tiếp khi tiếp cận lần đầu. Biểu hiện bệnh đa dạng. Trường hợp của chúng tôi, triệu chứng nổi bật lúc ói máu tái diễn bên cạnh các triệu chứng khá đặc hiệu là dịch tiết từ mũi và mồ hôi có máu lại xuất hiện lúc sau, làm cho việc chẩn đoán dễ bị chệnh hướng. Việc thực hiện các xét nghiệm để loại trừ là cần thiết để tránh bỏ sót các bệnh có tổn thương thực thể. Đây là một bệnh hiếm, được báo cáo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giúp các nhà lâm sàng có thể nhanh chóng nhận diện được bệnh, ngay cả ở lần tiếp cận đầu tiên và góp phần làm phong phú y văn.

TÀI LIỆU THAM  KHẢO

1) H. R. JerajaniBhagyashri JajuM. M. Phiske, and Nitin Lade, Hematohidrosis-a rae clinical phenomenon, Indian J Dermatol. 2009 Jul-Sep; 54(3): 290–292.

2) Raksha M. Patel and Stuti MahajanHematohidrosis: A rare clinical entity, Indian Dermatol Online J. 2010 Jul-Dec; 1(1): 30–32.

image
Video bệnh viện
Tin mới
BỆNH VIỆN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Địa chỉ: 109 Đoàn Hoàng Minh, Phường 5, Thành Phố Bến Tre, Tỉnh Bến Tre, Việt Nam

Hotline: 0275 3817 555

Email: bvndckhth@gmail.com

Website: http://bvndc.vn